Đừng trụ lục trần mà sanh Tâm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong kinh Kim Cang đức Thế Tôn đã từ bi khuyến cáo các đệ tử: “Đừng trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm” (đắm nhiễm).

Vào thời Phật, các Thánh Tăng đệ tử của Ngài đã y giáo phụng hành và khắc phục dễ dàng những ma chướng đó. Nhưng nhiều thế hệ trôi qua phần đông các hành giả của Như Lai, đều bị phơi thây trên thập tự giá đầy bi thương khổ lụy.

Có một Thiền Tăng người nước Ý đã nói rằng: trần gian này giống như thập tự giá mà chúng nhân liên tục bị đóng đinh trên đó bằng sáu cái đinh cảm thức quái dị - mắt tai mũi lưỡi thân ý. Xin hỏi quý vị một câu ‘loại đinh nào mãnh liệt hơn? Đinh làm bằng sắt thép hay đinh làm bằng cảm thức của sáu giác quan?’ Bậc trí tuệ ngộ lý thì khẳng quyết rằng: ‘Loại đinh làm bằng sáu giác quan mãnh liệt hơn.’ Tại sao? Bởi vì đinh làm bằng sắt thép chỉ kéo dài một giai đoạn nào đó thôi. Ta có thể rút tay ra khỏi những cây đinh, ta có thể dùng chân đá và rút chân ra, có khi không cần phải giải phẫu. Thử hỏi bạn có cách nào đá mất sáu giác quan không? Chắc là không dễ đâu, bởi vì các giác quan vốn hình thành bằng chất liệu vô minh, tham ái. Bạn đã có sáu giác quan ấy từ bao lâu rồi? Từ quá khứ xa xưa, trong khi những chiếc đinh sắt thép chỉ có thể tồn tại một đời hay vài giờ lúc bạn còn đang ở trên thập tự giá. Mặt khác sáu giác quan mà bạn đã huân tập có từ quá khứ vô thỉ, từ kiếp này sang kiếp khác. Đó là lý do tại sao đinh làm bằng sáu giác quan lại mãnh liệt bền chắc hơn đinh làm bằng sắt thép.

Hành giả chúng ta cứ liên tục bị đóng đinh trên thập tự giá trần gian do sáu giác quan khuất phục hình tượng đẹp đẽ của sự đóng đinh trên thập tự giá là cái đẹp mà người ta vốn ưa thích. Do thích được đóng đinh hơn, họ yêu mến sáu giác quan, thậm chí họ còn phấn khởi trả tiền để tận hưởng khoái lạc của sáu giác quan. Họ muốn được đóng đinh chắc chắn hơn trên thập tự giá trầm luân như xưa kia. Do đó rõ ràng thế giới quả là một nhà thương điên khổng lồ.

Bậc giác ngộ sớm nhận thức được rằng đau khổ và khoái lạc thường đi đôi với nhau, chúng không hề tách rời nhau. Vì vậy hễ ai còn ôm ấp khoái lạc thì phải ôm ấp đau khổ, cái giá của khoái lạc là đau khổ, cho nên không thể sống hạnh phúc tự tại và an nhiên của Niết-bàn tối thượng.

Xưa có một nhà tu khổ hạnh sống yên bình trong một ngôi thảo am. Một hôm, có hai chị em nọ đến gặp vị Đạo sĩ. Họ là hai chị em kỳ lạ. Một người thì cực kỳ xinh đẹp đáng yêu! Còn người kia thì cực kỳ xấu xí đáng sợ vì bị cùi khắp cơ thể. Họ luôn luôn đi bên nhau, không hề xa cách dù một phút giây nào. Cả hai đến cửa am thất. Vị Đạo sĩ hỏi: “Ai đó?” Hai chị em đáp: “Mô Phật! Thưa, hai chị em chúng con”. Đạo sĩ bước ra mở cửa, hai chị em đồng thưa: “Xin Tôn sư cho phép chúng con vào bên trong thưa chuyện”. Vị Đạo sĩ trả lời: “Ta muốn cô xinh đẹp kia bước vào”. Nhưng cô xinh đẹp liền nài nỉ: “Xin cảm phiền Ngài cho phép cả hai chị em chúng con cùng vào, cô xấu xí kia và cả con nữa, Ngài phải cho phép cả hai hoặc là không hết”. Thật vậy sao? Vị Đạo sĩ vừa nói vừa xách cây gậy thật to hét lên rượt hai chị em chạy mất.

Vị Đạo sĩ muốn chẳng có người nào thì tốt hơn. Ông quả là một nhà tu có trí tuệ, ông có kinh nghiệm ứng xử. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều nhà tu thiếu bản lĩnh - trụ tướng sanh tâm - làm đổ vỡ cơ nghiệp. Trên thế gian này chúng ta dám nói có trên 90% cần cả hai - Cái đáng yêu cũng như cái đáng sợ, bởi vì họ muốn khoái lạc và đau khổ. Nhưng bậc trí giả chỉ muốn khoái lạc chứ không muốn đau khổ. Và nếu cả hai gắn bó không rời thì vị Đạo sĩ buộc phải đẩy lùi khoái lạc và cũng không ưa đau khổ. Vị đó tống xuất cả hai. Vị đó nhập đạo tu hành hưởng quả an vui phúc lạc tối thượng. Rút ra bài học trên chúng ta phải là một hành giả có trí tuệ, khôn ngoan chứ không khờ dại đam mê cả khoái lạc lẫn đau khổ. Điểm then chốt là không phải tách rời cái này khỏi cái kia, cái đẹp và cái xấu, vì khoái lạc là gốc rễ của đau khổ. Mới nhập đạo, cần phải nương hạnh giới nên ta chọn điều thiện. Khi chứng đắc Niết-bàn Thiện ác không hai, ta quên luôn cả phương tiện . /.

(Sermons Delivered by Ven Locanatha)
TV. Nam Mô phỏng dịch.

(*) Tựa đề: Kinh Kim Cang
[Tập san Pháp Luân - số 4]