Cuộc đời và ánh đạo của Tôn giả Sàriputta - Phần 5

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

(Cuộc đời và ánh đạo của Tôn giả Sariputta - Tiếp theo TSPL.8)

10. Độ thân quyến:

Tìm trong kinh tạng hay trong các sử liệu viết về Tôn giả Sàriputta, chúng ta biết được Tôn giả có tất cả sáu người em: ba người em trai và ba người em gái. Ba người em trai tên là: Cunda, Upasena, Revata. Và ba người em gái tên là: Càlà, Upacàla và Sìsupacàlà. Đọc qua sử liệu về Ngài, chúng ta vô cùng khâm phục, kính ngưỡng và đồng thời cũng chúc mừng cho thân mẫu của Tôn giả là bà Sàri có được phước đức vô lượng. Bà sanh được bảy người con, dưới sự hướng dẫn của vị huynh trưởng tài đức vẹn toàn, tất cả đều được xuất gia trong giáo pháp của đức Phật và đồng chứng được thánh quả A-la-hán.

Sau khi xuất gia trong giáo pháp của đức Phật, đức hạnh và tài năng của Tôn giả Sàriputta ngày càng vang xa mãi. Tôn giả đã độ rất nhiều người, trong mọi thành phần từ vương tử, quý tộc, trưởng giả… cho đến những hàng ngoại đạo và những người nghèo khổ có địa vị thấp hèn nhất trong xã hội. Đặc biệt, Tôn giả đã độ được những người thân yêu nhất của mình, từ người cậu theo đạo lõa thể, người cháu thờ lửa tế thần, độ tất cả các người em mình xuất gia, chứng được Thánh quả cho đến người mẹ thân yêu nhất của mình: “Ta có một ông cậu có duyên với Chánh pháp. Ông cậu này thường cúng dường đến các đạo sĩ lõa thể, và ông ta nghĩ rằng làm như vậy là thực hành con đường cộng trú với Phạm thể. Ông cậu này ta đã dẫn đến đức Thế Tôn, và đức Thế Tôn đã đặt ông vào đức tin Tam bảo. Ta cũng có một đứa cháu trai, tháng ngày chuyên giết thú và chăm sóc ngọn lửa tế thần. Y làm như vậy và tin tưởng rằng đấy là con đường dẫn đến cõi Phạm thiên. Ta đã dẫn cháu ta đến bên chân đức Thế Tôn, và đức Thế Tôn đã đặt ông ta vào đức tin Tam bảo từ ấy”.

Trong sáu người em của mình, đầu tiên là hai người em trai Cunda và Upasena, Tôn giả đã khuyên dạy và hướng dẫn hai vị này xuất gia trong Chánh pháp, hai vị đã theo gương vị huynh trưởng của mình nỗ lực tinh tấn tu tập và đã đạt được phẩm hạnh cao quý nhất của một vị Sa môn. Đó là chứng đắc Thánh quả A-la-hán.

Đến ba người em gái: Càlà, Upacàlà, Sìsupacàlà, tuy Tôn giả không trực tiếp hướng dẫn họ xuất gia tu tập nhưng khi nghe danh tiếng tài năng, đức hạnh cũng như sự an lạc, giải thoát của vị huynh trưởng, cả ba người em gái của Tôn giả thấy được sự giả tạm vô thường, đau khổ, ràng buộc của cuộc đời. Họ cũng noi theo gương vị huynh trưởng của mình, lần lượt xuất gia trong Chánh pháp giải thoát, nổ lực tu tập và thành tựu được quả vị Vô sanh (A-la-hán). Như vậy, tuy Tôn giả không trực tiếp hướng dẫn họ nhưng bằng con đường gián tiếp, Ngài cũng độ họ được giải thoát.

Trong sáu người em của Tôn giả Sàriputta, câu chuyện về nhân duyên xuất gia của cậu em út đã làm cho chúng ta thích thú nhất. Khi hay thân phụ của mình qua đời, Tôn giả Sàriputta đã xin đức Thế Tôn về quê hương để thăm viếng gia tộc và để tụng kinh siêu độ cho thân phụ. Được sự cho phép của đức Thế Tôn, Tôn giả đã dẫn theo năm trăm vị Tỳ-kheo để hoằng hóa độ sinh trên quê hương mình, đồng thời cũng tụng kinh hồi hướng công đức để siêu độ cho cha mình. Khi gặp lại được người anh khả kính mà xưa nay mình chỉ nghe danh mà chưa hề thấy được bóng hình, người em út Revata đã nhìn Tôn giả một cách sững sờ: “Đây là anh trai cả tôn quý của ta! Đâu đâu người ta cũng thán phục ca tụng ông anh vĩ đại này. Ồ! Mà sao anh trai ta đẹp quá, uy nghiêm quá, lại dễ mến nữa!”

Tôn giả Sàriputta đã quan sát và biết trước người em út, Revata bảy tuổi bé bỏng của mình cũng sẽ được xuất gia, chứng Thánh quả, nên đã dặn Revata khi nào muốn xuất gia thì hãy đến ngôi làng của khu rừng phía Tây, nơi có mấy mươi vị Tỳ-kheo đang tu hạnh Đầu-đà, nói là em trai của Tôn giả Sàriputta xin phát nguyện xuất gia thì họ sẽ nhận lời để em được xuất gia trong Chánh pháp.

Mẹ của Tôn giả Sàriputta là người rất ghét đạo Phật cũng như ghét cả đức Phật và chư Tỳ-kheo. Bà cho rằng, đức Phật đã dùng chú thuật cướp đi sáu người con thân yêu của bà. Lại nữa, gia đình bà là trưởng giáo Bà-la-môn có truyền thống tín ngưỡng thần linh sâu sắc. Giờ đây chồng bà đã mất, gia tài thì đồ sộ, giàu có nhất làng mà chỉ còn lại người con trai út mới bảy tuổi. Nhìn ánh mắt kính ngưỡng vào vị huynh trưởng sâu sắc của nó trong lúc đưa tiễn Tôn giả Sàriputta về lại tinh xá Kỳ Hoàn, bà sợ cậu út này sẽ xuất gia như các anh chị của nó thì kể như gia tài đồ sộ kia sẽ trở thành hoang phế, và nhất là bà sợ dòng dõi cao quý của gia đình này kể như không có người nối truyền tông hệ, không ai kế thừa huyết thống. Thế là bà quyết định theo chế độ tảo hôn, lo lập gia đình cho cậu con trai út Reveta. Nghĩ là làm, bà đã mời những vị Bà-la-môn trưởng thượng trong quyến thuộc đến để trình bày lý do, nguyện vọng của bà và nhờ họ mai mối tìm vợ cho người con cuối cùng ấy. Sau một thời gian tìm kiếm, họ đã tìm được một người con gái mười bốn tuổi xinh đẹp, môn đăng hộ đối và tiến hành làm đám cưới cho cậu con trai út. Lúc này, Reveta mới bảy tuổi tuy còn bé nhưng cũng rất khôn ngoan và có căn cơ xuất thế. Đám cưới diễn ra rất linh đình. Trong lúc về nhà gái để rước dâu với nhiều nghi thức trọng thể, trong ấy có tiết mục bà ngoại cô dâu là người giàu sang, cao tuổi (120 tuổi), có danh vọng trong gia tộc đứng ra chúc phúc cho hai trẻ được sống hạnh phúc đến ngày răng long, đầu bạc như bà. Nhìn cô dâu thì xinh đẹp, nhưng lại thấy bà ngoại cô thì già nua, tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, lưng còng, đi đứng phải nương gậy... Cậu hiểu rằng rồi cô bé xinh đẹp, gọi là cô dâu, vợ mình cũng già và xấu như thế. Nhân duyên xuất trần đã đến, nhớ lại lời dạy của vị huynh trưởng của mình, cậu nghĩ cách thoát thân. Trên đường rước dâu về nhà, Reveta giả vờ đau bụng xin dừng xe để xuống, vào các lùm cây bên đường để đại tiện, xong rồi lên xe đi tiếp, đến ba lần như vậy. Lần thứ tư, khi còn cách nhà không bao xa, Reveta lại nói rất tự nhiên: “Rõ là cái bụng nó đang hành hạ tôi, nhà cũng sắp đến, vậy quý vị cứ chầm chậm cho xe đi trước, tôi sẽ theo kịp ngay tức khắc”.

Đám rước đang diễn ra linh đình, vì thế họ cũng không nghi ngờ gì nữa. Họ đánh xe chầm chậm đi, Reveta tìm vào một lùm cây kín, khuất tầm mắt mọi người và cố gắng chạy một mạch về hướng ngôi làng khu rừng phía Tây gặp các vị Tỳ-kheo đang tu hạnh Đầu-đà để xin xuất gia. Các vị Tỳ-kheo ban đầu không dám nhận Revata vào Tăng đoàn, vì nhìn thấy Revata ăn mặc sang trọng, con nhà quyền quí, và cũng chưa có sự đồng ý của cha mẹ, hay của huynh trưởng… sợ rằng cậu sẽ không kham nổi đời sống xuất thế. Nhưng sau khi biết Reveta là em của Tôn giả Sàriputta, đồng thời đã có sự dặn trước của Tôn giả Sàriputta, các vị Tỳ-kheo đã đồng ý thu nhận Reveta vào tu tập cùng Tăng đoàn. Sau một thời gian nỗ lực tiến tu, cậu bé Reveta đã chứng đắc Thánh quả A-la-hán trước sự kính phục của mọi người.

11. Độ thân mẫu hay hạnh hiếu của Tôn giả Sàriputta:

Khi so sánh về hai Tôn giả Sàriputta và Moggallàna, chúng ta thấy hai Tôn giả có rất nhiều điểm giống nhau một cách lạ kỳ: Giống nhau từ sự xuất thế, dòng họ, chủng tộc, về tài năng, về sự xuất gia và đồng trở thành hai vị Đại đệ tử của đức Thế Tôn. Đặc biệt là, hai Ngài đều thể hiện hạnh hiếu cao cả nhất trong hàng đệ tử của đức Phật, độ được thân mẫu của mình ra khỏi ngoại đạo tà kiến, an trụ vào Phật pháp, thoát khỏi khổ đau.

Cũng giống như của Tôn giả Moggallàna, thân mẫu của Tôn giả Sàriputta cũng ghét cay, ghét đắng đức Phật và chư Tăng. Càng về già bà càng ghét hơn, nhất là lúc này, ngay cả đứa con út bé bỏng của mình, niềm hy vọng nhỏ bé ấy cũng bị cuốn hút vào Tăng đoàn, làm đệ tử của Sa-môn Cù-đàm: “Và vì thế, dù rằng bà có bảy người con đều chứng Thánh quả nhưng bà Sàri vẫn không tin Tam bảo, vẫn xem thường đức Phật và Tăng chúng, vẫn đặt niềm tin mù quáng theo ngoại đạo cổ hủ của mình. Chính vì thế, bà luôn chửi mắng Tăng đoàn và Sa-môn Cù-đàm”.

Chúng ta dễ dàng thông cảm với nỗi khổ đau cũng như tâm tình của người mẹ già này, cả bảy đứa con thông minh, đẹp đẽ… biết bao ước mơ, tự hào, kỳ vọng về đàn con của mình đều dần dần tan theo mây khói. Giờ đây, bà đã gần một trăm tuổi, nhưng không còn một người con nào bên cạnh. Bà nhìn mọi vật vô cùng ảm đạm, cả gia tài “tiền rừng bạc biển” đều chẳng có nghĩa gì, chỉ đồng với cát bụi mà thôi. Nhìn ngôi nhà to lớn cổ kính, ruộng vườn mênh mông, càng làm cho bà thêm cô quạnh. Cả đám gia nhân kẻ hầu người hạ hay hàng thân quyến đông đảo và danh vọng, cũng đồng với nghĩa trống rỗng và khổ đau… làm sao sánh bằng những đứa con thân yêu dứt ra từ khúc ruột của mình.

Đã từ lâu, Tôn giả Sàriputta muốn độ thân mẫu của mình vào niềm tin với Chánh pháp an lạc, nhưng nhân duyên chưa đến nên không độ được. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta đã tám mươi tuổi, Tôn giả quán sát thấy nhân duyên trụ thế của mình sắp mãn, và nhân duyên độ thân mẫu đã đến. Ngài liền đi đến đảnh lễ xin đức Phật cho về nhập Niết-bàn ở quê nhà và để độ mẫu thân của mình.

Đức Thế Tôn đã chấp thuận, Tôn giả từ giã đại chúng và dẫn theo 500 Tỳ-kheo về quê hương mình. Trên đường về gần đến ngôi làng thuở xưa của mình, Tôn giả gặp đứa cháu trai và bảo người cháu về thông báo với bà (mẹ Ngài) rằng: Tôn giả Sàriputta đã trở về và xin ở lại căn phòng thuở xưa lúc Ngài chào đời. Người cháu vô cùng mừng rỡ, vội vàng chạy về báo tin. Dù rằng bà Sàri rất ghét Tăng đoàn, rất giận người con cả, nhưng lòng yêu thương con không bao giờ vơi cạn, bà đổi giận làm vui để tiếp đón Tăng đoàn. Tối đêm ấy, ở ngay căn phòng thuở xưa lúc chào đời, Tôn giả đã thị hiện bệnh tả lỵ, để nhập Niết-bàn và độ thân mẫu mình.

Lúc bấy giờ, có thị giả Ngài là Sa-di Quân Đầu đang hầu hạ, cứ vào ra với những cái bô trên tay. Bà Sàri rất quan tâm đến người con cả, nhưng vẫn còn đứng ở bên ngoài phòng của Tôn giả quan sát. Lúc ấy, Tứ đại thiên vương, Đế Thích (Thiên chủ cõi trời Đao Lợi), Đại phạm thiên vương và hàng thiên chúng, bằng thần lực, họ biết được Tôn giả đang bị bệnh và sắp nhập Niết-bàn. Với oai nghi, thần lực và hào quang rực rỡ, họ lần lượt hiện vào phòng để kính lễ và xin hầu hạ Tôn giả, bậc A-la-hán, Đại đệ tử của đức Thế Tôn lần cuối… làm cho cả căn phòng và khu vườn nơi Tôn giả Sàriputta đang ở sáng rực hào quang. Nhưng Ngài đã từ chối tất cả và họ đảnh lễ Tôn giả lần lượt trở về bổn quốc.

Bằng thần lực của mình, Tôn giả Sàriputta đã cho mẹ mình thấy được toàn bộ cuộc thăm viếng kỳ diệu ấy. Sau khi các vị Thiên chủ đã ra đi, bà Sàri vội vàng vào phòng của Tôn giả để hỏi thăm về những vị trời ấy. Tôn giả đã từ tốn giải thích đó là những vị trời nào, sự hộ pháp của họ ra sao, đã hầu hạ đức Phật trong lúc đản sanh, sự thưa thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân lúc mới thành đạo như thế nào, v.v… Nghe xong, vô cùng kính phục, bà không ngờ người con của mình cao cả đến độ các vị trời cao quí, ngay cả đến Đại phạm thiên, Brahma (vị trời cao cả nhất, tối thượng nhất mà cả dòng tộc bà cũng như bản thân bà luôn kính ngưỡng phụng thờ, cầu nguyện hàng trăm năm nay) lại chỉ là người hầu của con mình, là đệ tử của đức Thế Tôn. Trong tâm bà Sàri phát khởi tín tâm, suy nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn sư của con mình còn to lớn biết chừng nào!”

Bằng sự kính ngưỡng cao cả chưa từng có, đồng thời nghe xong bài pháp ngắn về công đức Phật, Pháp, Tăng của Tôn giả Sàriputta, toàn thể châu thân bà Sàri rúng động, niềm tin tối thượng về đức Phật, về người con vĩ đại của mình, cũng như về Tam bảo. Niềm hoan hỷ, an lạc bất tận phát sinh đến từng chân tơ kẻ tóc, bà đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-hoàn, chính thức bước vào dòng Thánh, chắc chắn sẽ đạt đến giải thoát, an lạc. Quá xúc động, bà Sàri đã thốt lên với Tôn giả: “Này người con đáng kính của mẹ! Này ngài Upatissa, tại sao trong suốt những năm qua con không ban bố cho mẹ một sự hiểu biết bất tử này?”.

Bằng sự thành tâm tột bậc, bà Sàri đã xin qui y Phật, Pháp, Tăng trở thành một trong những đệ tử tại gia thuần thành nhất. Tôn giả Sàriputta đã độ được mẫu thân của mình trong hoàn cảnh kỳ diệu như thế.

Trí Lộc. (Còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 9]