Dòng Phật giáo Giác Lâm - Gia Định

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Dòng Phật giáo Giác Lâm - Gia Định, giai đoạn trước khi Pháp chiếm toàn cõi Việt Nam (140 năm : 1744-1884)

 

Phật giáo Giác Lâm chính là cái nôi của Phật giáo Sài Gòn-Gia Định, là cửa ngõ của Phật giáo Sông Chín Rồng, là trường Phật học lâu đời nhất của Phật giáo 6 tỉnh Nam Kỳ. Trải 140 năm (1744-1884) định hình và phát triển, dòng chảy Phật giáo Giác Lâm đã cuốn hút nhiều nhà nghiên cứu, nhất là tìm hiểu về văn hóa Phật giáo. Nơi đây như một nhà lưu niệm Phật giáo thu nhỏ, nhiều dấu vết Phật giáo Sài Gòn-Gia Định xưa còn được lưu giữ tại đây. Còn nhiều điều chưa được giới thiệu rộng khắp đến các giới Phật học trong và ngoài nước, còn nhiều phát hiện mới về Phật giáo Sài Gòn-Gia Định cũng như Phật giáo vùng đất Sông Chín Rồng, điều mà có nguồn từ dòng Phật giáo Giác Lâm.

Sài Gòn-Gia Định cũng là đất dụng võ cho những bậc Hào kiệt, anh tài. Nơi đây đã mời gọi nhiều dòng văn hóa Việt, Hoa, Khmer, tất cả đã hội tụ trên vùng đất “Đồng Nai-Gia Định”; cũng chính nơi đây vào năm 1744 đã tạo nên dòng Phật giáo mới: Phật giáo Giác Lâm.

1. Buổi bình minh của Phật giáo Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm, chùa Giác Lâm là tên gọi về sau, buổi bình minh của cái thuở còn “hàn vi”, chùa Giác Lâm được biết khiêm tốn qua tên gọi chùa Cẩm Đệm hay Cẩm Sơn. Chùa Giác Lâm thuộc loại “lão làng” trong số những chùa của đất Gia Định như Giác Viên, Hưng Long (1794), Phụng Sơn, v.v... do ông Lý Thụy Long dựng lên vào những năm 1744. Buổi đầu chùa có dáng vóc như một am tranh vách lá còn chánh điện thì chiếm một khoảng không gian khiêm tốn và được trang trí với chữ PHẬT được vẽ theo kiểu đại tự.

Đến 1772 đáp ứng nhu cầu tu học của tín đồ, tổ Phật Ý cử Tổ Tông-Viên Quang về trụ trì, sau khi về trông coi cơ sở nầy, am được đổi tên là chùa Giác Lâm vào năm 1772. Chùa Giác Lâm thuộc dòng Lâm Tế, vị trí Giác Lâm ngày nay gần trường đua Phú Thọ TP. HCM.

Từ mái chùa đơn sơ, trải qua nhiều lần sửa mới cùng với công hạnh tổ đạo hoằng truyền, giáo hóa để Giác Lâm dần trở nên một tổ đình tiêu biểu của Phật giáo Sài Gòn-Gia Định, nơi đây là nguồn đào tạo nên nhiều thế hệ Cao Tăng cho khắp 6 tỉnh Nam Kỳ.

2. Trụ trì Giác Lâm, những người tiếp nối

 Năm trụ trì    Năm sinh-mất
 1744  Chưa rõ  
   Tổ Tông - Viên Quang  -1828
   Tiên Giác - Hải Tịnh  1788-1875
 1869-1893  Minh Vi - Mật Hạnh  1825-1898
 1893-1903  Minh Khiêm - Hoằng Ân  1850-1914
 1903-1910  Như Lợi  
 1910-1949  Hồng Hưng - Thanh Đạo  1877-1949
 1949-1974  Nhựt Dần - Thiện Thuận  1900-1974
 1974-  Lệ Sành - Huệ Sanh  1935-


3. Ứng-Phú đàn tràng, một nét lớn trên dòng chảy Phật giáo Giác Lâm

Ứng-Phú: Ứng là đáp lời mời của tín đồ; Phú là đến. Ứng-Phú đàn tràng là đáp lời mời của tín đồ mà đến nhà bổn đạo để cầu kinh. Mong muốn của tổ Tiên Giác-Hải Tịnh khi qui tụ những bậc Danh Đức-Cao Tăng 6 tỉnh Nam Kỳ là nhằm chấn chỉnh sinh hoạt ứng phú đạo tràng mà qua đó việc Ứng-phú phải thể hiện được nét: mô phạm cho mọi người (vị tha tác tắc).

4. Một tác phẩm văn học trải hơn 100 năm mà hương sắc vẫn chưa phai

Trong số những ghi nhận sáng giá trên dòng Phật giáo Giác Lâm đó là tác phẩm văn học. Có 2 đầu sách được ghi nhận đó là: sách Tông Phái Sự Tích của Tiên Giác-Hải Tịnh và hai là sách “Phép tắc dùng hằng ngày dón gọn” (Tỳ ni nhật dụng yếu lược). Tông Phái Sự Tích thuộc loại sử truyện; trong khi sách Tỳ ni nhật dụng yếu lược thì thuộc về luật học cho hàng Sa Di. Từ thông tin Giác Viên Lan Nhã Thiền Hòa Hoằng Ân tỉnh nghĩa Hoa Nghiêm Thiền Viện Tỳ Kheo Huệ Lưu sao lục, thông tin nầy được hiểu như sau: chùa Giác Viên Minh Khiêm-Hoằng Ân lược giải về nghĩa; thiền viện Hoa Nghiêm, Tỳ-kheo Huệ Lưu chép lại. Chùa Giác Viên là cơ sở trực thuộc chùa Giác Lâm nó cũng được xem như Giác Lâm 2, vị trí gần trường đua ngựa Phú Thọ, Sài Gòn ngày nay. Thiền viện Hoa Nghiêm thuộc quận Thủ Đức, Tỳ-kheo Huệ Lưu chính là Đạt Lý-Huệ Lưu (1858-?), chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, thuộc đời thứ 38 dòng thiền Hạnh-Siêu-Minh.

Sách Phép tắc dùng hằng ngày dón gọn, đây là tác phẩm luật học dành cho người mới học (hàng Sa Di). Ấn bản đầu tiên của quyển luật Phép tắc dùng hằng ngày dón gọn nầy là vào năm 1894 (Giáp Ngọ), về sau do nhu cầu tu học của người mới vào chùa, nhiều chùa khắp 6 tỉnh Nam Kỳ đứng ra khắc bản gỗ in lại sách nầy. Trải thời gian trên 100 năm từ 1894 đến 2004 thật không thể thống kê đầy đủ, chính xác số lần cũng như số lượng ấn bản của sách nầy. So với Sa Di thập giới giảo ngụy tự tiểu thiên của Toàn Nhật-Quang Đài hay Sa Di thập giới quốc âm của Như Như thì sách Phép tắc dùng hằng ngày dón gọn nầy đã tạo cho Minh Khiêm-Hoằng Ân một vị trí chẳng những là sáng danh “ông Tổ núi Sam” mà còn là cao trọng vào hàng tổ đạo Phật giáo Sài Gòn-Gia Định nữa.

5. Phật giáo Giác Lâm, vài nét Sinh hoạt

1744 Lý Thụy Long dựng chùa.
1772 Tổ Tông-Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm.
1804 Trùng tu chùa Giác Lâm.
1850 Giác Lâm mở đại hội qui tụ Cao Tăng khắp nơi cùng về tham dự nhân ngày giỗ tổ. Trong dịp nầy Tiên Giác-Hải Tịnh giám định lại việc Ứng Phú đạo tràng, một hình thức đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ. Việc nầy đem lại kết quả khả quan có sức thuyết phục cao và được chư Tăng cho phiếu thuận áp đảo gần như tuyệt đối.
1871 Tiên Giác-Hải Tịnh họp chư Tăng các tỉnh mở Đại Giới Đàn tại chùa Tây An, núi Sam (Châu Đốc).
1872 Hòa thượng đàn đầu Đại Giới Đàn chùa Hưng Long, Định Tường (Mỹ Tho).
1875 tổ chức Đại Giới Đàn chùa Từ Ân Gia Định.
1875 tổ chức Đại Giới Đàn chùa Linh Sơn Tiên Thạch, Tây Ninh.
1850 sửa điện Quan Âm lại và đặt tên là chùa Giác Viên.     

Cho đến cuối thế kỷ 18, dòng chảy Phật giáo Huế trên đường vào Nam đã định hình dòng chảy mới trên vùng đất Đồng Nai-Gia Định, đó là dòng chảy Phật giáo Giác Lâm. Giác Lâm là tên gọi một ngôi chùa, một tổ đình. Cơ sở nầy qua chiều không gian đã mở rộng vành đai giáo hóa cũng như qua chiều thời gian trên đà phát triển đã tự khẳng định vai trò lãnh đạo truyền giáo trong khu vực: Giác Lâm cái nôi của Phật giáo Sài Gòn-Gia Định, là trường Phật học lâu đời nhất của Phật giáo 6 tỉnh Nam Kỳ, là cửa ngõ của Phật giáo Sông Chín Rồng. Chính nơi đây đã hội tụ những Sắc-Màu của nhiều dòng phái Phật giáo khác nhau như: Dòng Đạo-Bổn-Nguyên, dòng Thiệt-Tế-Đại, dòng Tào Động, dòng Dung Hợp giữa các dòng phái. Bên cạnh đó còn phải nói đến dòng Phật giáo Nam tông-Khơme và một phần Phật giáo Hoa tông v.v… Tất cả đã tạo nên một Phật giáo Giác Lâm với diện mạo mới phong phú hơn so với Phật giáo Thăng Long hay Phật giáo Huế.

6. Nhìn chung,

Hơn 140 năm, từ 1744 đến 1884, trước khi quân Pháp xâm lược toàn cõi Việt Nam (vào năm 1884), có một thời gian khá dài Đồng Nai-Gia Định còn là thuở thái bình (nhớ xưa hồi thái bình), đây chính là thời điểm “mưa thuận gió hòa” cho hoa giác ngộ khoe sắc trên vùng đất mới. Qua khảo sát bước đầu về năm tháng dựng chùa thuộc 6 tỉnh Nam Kỳ đã cho thấy hầu hết các chùa Nam Bộ được thành lập vào thế kỷ 18- 19. Bấy giờ dòng chảy Phật giáo Giác Lâm đã đặt pháo đài truyền giáo lớn mạnh và dày đặc khắp nơi. Khắp Nam kỳ 6 tỉnh: Biên-Gia-Định-Vĩnh-An-Hà (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) cơ sở Phật hóa được phân bổ, đan xen hầu khắp mọi nơi. 

Biên Hòa có chùa Đại Giác, Bửu Phong.
Gia Định có chùa Giác Lâm, Giác Viên, Long Huê, Trường Thọ.
Định Tường có chùa Vĩnh Tràng.
Vĩnh Long có chùa Phước Hậu.
An Giang có chùa Phú Thạnh (1840), chùa Tây An (1847), chùa Giồng Thành.
Hà Tiên có chùa Tam Bảo.

Như vậy qua thời gian trải dài, qua không gian trải rộng, dòng chảy Phật giáo Giác Lâm đã biểu hiện những nét rực rỡ; một mặt cho thấy mô hình gầy dựng cơ sở và mặt khác là đào tạo Tăng tài. Từ Tổ Tông-Viên Quang (-1828), đến Tiên Giác-Hải Tịnh (1788-1875) đến Minh Khiêm-Hoằng Ân (1850-1914), Phật giáo Giác Lâm đã mở ra dòng chảy mới trên đường về Phương Nam.

Tiên Giác-Hải Tịnh đã trợ hóa và trụ trì chùa Tây An, núi Sam một thời gian dài. Chính nơi đây Tiên Giác-Hải Tịnh đã tiếp độ một lãnh tụ của Phật giáo bản địa là đức Phật Thầy của đạo Phật giáo Hòa Hảo để Đoàn Minh Huyên có tên Đạo (pháp danh) là Minh Huyên-Pháp Tạng thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 38. Tiên Giác-Hải Tịnh cũng thuộc hàng tổ mở đạo chùa Phú Thạnh, Châu Đốc. Trong số đệ tử lỗi lạc thuộc bậc thầy giáo thọ, người mà xuất thân từ chùa Phú Thạnh thấy có Minh Đắc-Chân Bửu.

Thành quả Dòng chảy Phật giáo Giác Lâm là pháp lý sáng ngời của Phật giáo Sài Gòn-Gia Định. Pháp lý Phật giáo Sài Gòn-Gia Định là công cuộc Hộ Quốc-An Dân của dân tộc. Một biểu hiện không công nhận pháp lý Phật giáo Giác Lâm nếu có thì đây cũng có nghĩa là đem tất cả thành quả làm nên Phật giáo Sài Gòn-Gia Định đỗ ra biển lớn; cũng có nghĩa là đem một bộ phận lớn làm nên vùng đất Sài Gòn-Gia Định mà hủy hoại đi; việc làm nầy xuất phát từ đỉnh cao bệnh hoạn của loài người. Chất liệu Phật đã nuôi sống dân tộc Việt. Chất liệu Phật-Việt là pháp lý Giáo hội trên tất cả pháp lý thành văn nào khác. Pháp lý Giáo hội là 2000 năm mở nước và dựng nước của dân tộc. Phật giáo Giác Lâm với pháp lý Giáo hội trong cái nhìn tham chiếu thì đây là bài học trên đường hội nhập và phát triển Phật giáo trong thời đại mới

Phật giáo Giác Lâm là nguồn sức mạnh dân tộc trên đường Nam Tiến, là hương sắc tô điểm cho quê hương cả về không gian thời gian. Công hạnh tổ đạo Phật giáo Sài Gòn-Gia Định là chất liệu An Cư-Lạc Nghiệp cho con người Sài Gòn-Gia Định, bài học lịch sử  đã viết nên những trang sử vàng như thế và không thể nói khác đi được.

Dòng chảy Phật giáo Giác Lâm một thời hưng thịnh, một vài mãnh vụn chứng tích dạo chơi trên biển giác của tổ đạo xưa còn lại qua tháp tổ, qua bia ký, qua bản gỗ kinh văn, qua Minh văn trên chuông lớn, qua liễng đối, nhất là qua loại hình giai thoại, v.v… với chừng ấy thông tin từ Phật giáo Giác Lâm kết hợp với tấm lòng “phù trì giới pháp” của nhà chuyên môn thì qua đó chúng ta có thể vẽ lại chân dung “dép cỏ lối về” hay “chân hình tổ đạo” của Phật giáo Giác Lâm cho người học sau chiêm ngưỡng.

Tâm Phương
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.46, 2005]