“Tạp chí” video Xuân từ các chùa, tại sao không?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tết đến, cũng như các dịp lễ lạc hệ trọng khác trong năm, Tăng, Ni, Phật tử các chùa thường làm báo tường, ra nội san… Nhân dịp xuân về, chúng tôi đề xuất một hình thức mới, đó là tạp chí video (còn gọi là tạp chí truyền hình, khi được đưa lên phát trên sóng truyền hình quảng bá hay truyền hình online).


“Tạp chí truyền hình” là một thuật ngữ được ngành truyền hình sử dụng một cách linh động. Có khi nó là một chuyên đề về một đề tài hẹp nào đó. Nhưng cũng có khi nó là một chương trình xâu chuỗi nhiều chương trình nhỏ về một đề tài rộng hơn, thí dụ tạp chí truyền hình văn hóa nghệ thuật, tạp chí thể thao. Trong đó có thể có tin tức, phóng sự, phỏng vấn, có thể có một vài ca khúc thu hình trọn vẹn, một trích đoạn sân khấu nhiều kỳ hay phim ngắn… Chương trình Truyền hình Tuổi Trẻ Online TVO, hay chương trình Truyền hình Thanh Niên Online trên trang web các tờ báo trên là một dạng tạp chí truyền hình có đề tài rộng, với thời lượng vài chục phút/kỳ, xâu chuỗi nhiều chương trình nhỏ đủ loại đề tài lại với nhau.

Cách đây hơn 10 năm, khi Đài Truyền hình Việt Nam chưa thể phát sóng qua Châu Âu, Bắc Mỹ bằng vệ tinh địa tĩnh như bây giờ, thì nhiều đơn vị trong nước đã làm các tạp chí truyền hình ghi trên băng video cassette gửi qua phát hành ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, v.v… Cách làm này Phật giáo chúng ta có thể tham khảo.

Gọi là tạp chí, nhưng phát hành trong phạm vi nội bộ, thì đó là một dạng thư video. Nếu thực hiện, các chùa nên chọn dùng cụm từ thư video thì có lẽ thích hợp hơn. Đây là dạng chương trình kỷ niệm, lưu hành trong nội bộ Tăng, Ni, Phật tử trong chùa, như là một album lưu niệm bằng hình ảnh động, thay cho album hình ảnh tĩnh.

Tạp chí truyền hình xuân, theo cái nhìn chuyên môn có phần hơi chủ quan của chúng tôi, thì dễ làm và chi phí nhẹ hơn là làm một nội san xuân. Làm một số nội san, không phải ai cũng có khả năng viết bài góp mặt, việc in ấn hay photocopy cũng đắt tiền và nhiêu khê. Còn rọi một phóng sự ảnh lưu niệm chừng 36 tấm để tặng Tăng, Ni, Phật tử trong chúng để lưu niệm mỗi khi xuân về, thì chi phí cũng khoảng 50.000đ/bộ. Trong khi chi phí chép một đĩa VCD chứa nội dung thư video xuân chỉ 2000đ/đĩa. Có thể quý Tôn đức bỏ đĩa VCD thư video xuân vào hồng bao làm lì xì tinh thần cho các Phật tử.

Nhu cầu về một kiểu thư xuân video như vậy chắc chắn là có ở đông đảo Phật tử. Ngày xuân, ngoài ăn Tết bằng thực phẩm, vật chất, mọi người còn ăn Tết về mặt tinh thần. Các báo dồn hết năng lực để làm tờ báo xuân thật lộng lẫy, bắt mắt. Các đài phát thanh, truyền hình thì ra sức cho chương trình tết, đặc biệt là chương trình giao thừa, được chuẩn bị hàng 2-3 tháng trước. Các hãng băng đĩa hình, hãng phim cũng vậy. Người ta chất hàng dãy kho hàng để góp mặt sản phẩm vào mấy ngày xuân. Nhà nào trên bàn bên mâm mứt cũng có tờ báo xuân, TV không xem cũng mở chương trình tết suốt ngày đêm…

Chúng ta hãy cùng nhau bàn cách làm thư video xuân Phật giáo để không khí đạo có mặt trên TV khắp mọi nhà, nhất là các gia đình Phật tử trong dịp tết.

Thư video xuân phải hoàn thành vào những ngày trước tết, do vậy không thể có hình ảnh những ngày tết. Nhưng nội dung thư video sẽ là dịp ôn lại những hình ảnh trong dịp tết trước theo kiểu “đón xuân này tôi nhớ xuân xưa”, và hình ảnh hoạt động học Phật, tu tập, Phật sự, từ thiện… của Tăng, Ni, Phật tử nhà chùa trong một năm. Hình ảnh nào ghi được bằng video, thì đưa bằng video. Hình ảnh nào chỉ có ảnh chụp thì thể hiện bằng slide show. Không có ảnh chụp thì có thể tổ chức một buổi họp mặt để Tăng, Ni, Phật tử trong chúng kể lại những thành quả tu học Phật sự năm qua.

Thư video xuân không thể không có những lời chúc tết. Không chỉ có lời chúc tết của chư Tôn đức viện chủ, trụ trì, mà các Tăng, Ni trong chúng, Phật tử nhà chùa đều có thể góp mặt trong lời chúc tết thư video. Lời chúc tết không cần cầu kỳ, trau chuốt, mà càng tự nhiên chân thực, gần gũi, càng hay...

Trong thư video xuân, quí Tôn đức, viện chủ, trụ trì có thể thu hình một bài pháp ngắn, với đề tài xuân. Thời lượng của bài pháp trong khoảng 15-20 phút là thích hợp.

Một số chùa thường tổ chức sinh hoạt tất niên vào những ngày giáp tết. Nếu có hình ảnh video ghi lại buổi tất niên, giá trị kỷ niệm của thư video xuân sẽ được nâng lên nhiều lần. Chương trình tất niên không thể không có ngâm thơ, trình diễn nhạc đạo... Như vậy, là trong thư video cũng sẽ có các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”.

Các chương trình dạy nấu ăn chay, phỏng vấn kinh nghiệm tu học của Tăng, Ni sinh, sinh hoạt của gia đình Phật tử… đều có thể đưa vào thư video xuân để “tổng kết” một năm. Nếu nhà chùa có những Phật tử là người có vị trí cao trong xã hội như nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, người có chức vị trong xã hội…, thì cũng có thể mời họ góp tiếng nói vào thư video xuân để chương trình thêm đa dạng, phong phú.

Một vấn đề cần bàn là làm sao để nhà chùa có thể thực hiện một “tạp chí truyền hình” với nhiều tiết mục như vậy, mà kinh phí chắc chắn là không nhỏ.

Nếu thực hiện một tạp chí truyền hình theo kiểu chuyên nghiệp như đã trình bày ở trên thì quả là tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của. Nhưng, những quan niệm mới về lý luận truyền hình ngày nay không coi việc phải làm một chương trình truyền hình dàn dựng công phu chi phí tốn kém là yêu cầu hàng đầu nữa. Người ta thống kê sơ bộ rằng một số những video clip phát trên trang Web You Tube – Broadcast Yourself có số lượng truy cập cao không phải là những video clip đầu tư dàn dựng công phu, hình ảnh sắc nét do thu hình bằng thiết bị hiện đại, mà trái lại, là những video clip đơn giản, có thể có chất lượng hình ảnh nghiệp dư, nhưng nội dung thu hút người xem. Yếu tố chân thực, gần gũi trong truyền hình ngày nay được coi trọng hơn là sự gọt giũa, trau chuốt. Như thế, chỉ với một camera, với kiến thức sử dụng tối thiểu, là nhà chùa có thể tự thực hiện một thư video xuân, và có thể là thư video Phật đản, Vu Lan… Chi phí phải tốn chỉ giới hạn ở dịch vụ dựng hậu kỳ chương trình. Có thể tốn kém nhiều hơn nếu thuê luôn phần quay hình từ dịch vụ bên ngoài, nhưng cũng không thể đắt hơn chi phí dịch vụ quay hiếu hỷ, lễ tiệc là bao nhiêu. Số đĩa phát hành được càng nhiều, chi phí thu hình chia ra cho mỗi đĩa VCD càng thấp.

Mùa xuân, Phật giáo chúng ta đã có những tờ báo xuân trong các ngôi chùa, tư gia Phật tử. Thiết tưởng đã đến lúc cần có những chương trình video xuân đạo trên màn hình TV. Tại sao không?
 
Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 47, tr.48, 2007]