Xuân Di-lặc

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Qua một năm xuôi ngược dòng đời, giờ đây chúng ta hãy thử dừng lại chốc lát để ngắm nhìn nụ cười hoan hỷ qua hình tượng Phật Di Lặc được thờ ở các ngôi chùa

 

Qua một năm xuôi ngược dòng đời, giờ đây chúng ta hãy thử dừng lại chốc lát để ngắm nhìn nụ cười hoan hỷ qua hình tượng Phật Di Lặc được thờ ở các ngôi chùa, lòng mình sẽ cảm nhận sự an vui tự tại. Bởi lẽ, tâm người đa sự lại mang nhiều nghiệp duyên nên còn rất ít thời gian để cảm nhận về điều này. Thật vậy, chúng ta không bị phiền não trói buộc, không tham đắm ngũ dục thì mới nở được nụ cười tự tại như Ngài.

Hình ảnh hoan hỷ ấy đã in sâu vào lòng mọi người con Phật. Nên cứ mỗi độ Xuân về, vào ngày mồng một tháng Giêng, ngày vía đức Phật Di Lặc, hàng Phật tử thường đến chùa lễ Phật đầu năm, cùng chúc nhau một mùa Xuân tràn đầy hoan hỷ. Đây chính là nét đẹp trong truyền thống văn hóa ngày Tết của người dân đất Việt; nét đẹp đó thể hiện tâm lý hướng về niềm vui vĩnh cửu, tin tưởng một năm mới vui vẻ. Ngày nay, hạnh nguyện hỷ xả của đức Phật Di Lặc không những có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa dân gian phương Đông, mà đến mọi người con Phật khắp nơi trên thế giới đều sùng kính tôn thờ Ngài.

Trong kinh điển Bắc tông cũng như Nam tông đều cho rằng, đức Phật Di Lặc là một vị Bồ-tát hiện đang thuyết pháp giáo hóa ở cung trời Đâu Suất – tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục. Tầng trời này chia làm hai phần là Nội viện và Ngoại viện. Thiên chúng sống ở Ngoại viện thì thích hưởng thụ thú vui ngũ dục, quên việc tu hành nên sau khi hết phước sẽ bị đọa lạc. Còn chư Thiên sống tại Nội viện thì thanh tịnh giống như cảnh giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Trong giai đoạn này, xu hướng cầu sanh về Đâu Suất khá thịnh hành. Cho đến khi kinh Di-đà được truyền sang Trung Quốc vào thời đại nhà Đường trở về sau, khi mà tư tưởng chủ đạo đề xướng tu học theo pháp môn Tịnh độ, phát nguyện sanh về Cực Lạc thì người cầu sanh Đâu Suất không còn nhiều như trước nữa.

Từ nguyên Di Lặc (Maitreya) xuất phát từ tiếng Phạn “maitri”, có nghĩa là “từ bi’, phiên âm Hán Việt là A-dật-đa, dịch nghĩa là Từ Thị - người có lòng từ vô hạn; cũng có tên gọi khác là Vô năng thắng. Bởi trong quá khứ, vì muốn giáo hóa chúng sanh nên lúc mới phát tâm tu tập, Ngài đã không ăn thịt, do nhân duyên ấy nên có hiệu là Từ Thị. Theo Đại nhật kinh sớ q.1, chữ Từ tức là lòng từ, là chi đầu tiên trong bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả, lòng từ này được sanh ra từ trong chủng tánh của Như Lai. Nó có năng lực làm cho thế gian luôn tiếp nối chủng tánh của chư Phật không chấm dứt.

Trong Trung A-hàm 13, kinh Thuyết Bản, chép lời thọ ký của đức Phật rằng: “Tôn giả Di Lặc nguyện ở đời vị lai, khi con người sống đến 80.000 tuổi sẽ thành Phật, hiệu là Di-lặc Như Lai.” Như vậy, vào kiếp vị lai, lúc tuổi thọ con người sống đến tám vạn tuổi (tính theo thời gian kiếp tăng và kiếp giảm, 100 năm tăng, hoặc giảm 1 tuổi, hiện nay đang là kiếp giảm thì từ nay đến khi đức Phật Di Lặc ra đời mất khoảng 57 tỷ 60 triệu năm nữa) thì đức Phật  Di Lặc sẽ thị hiện làm vị Phật thứ 5 trong kiếp hiện tại ở cõi Ta-bà, mở hội Long Hoa tiếp độ vô số chúng sanh. Theo luận Đại Tỳ-bà-sa, 178 thì “Bồ-tát Từ Thị (Di Lặc) đối với các hữu, không khởi tâm ưa thích cho đến không tìm cầu, đối với việc làm lợi ích các loài hữu tình khởi tâm ưa thích cho đến tìm cầu, nên Phật khen ngợi”. Một số học giả cho rằng, Maitreyanatha (maitreyanātha) chính là Bồ-tát Di Lặc, là vị thầy truyền giáo lý Duy thức cho luận sư Vô Trước (asaṅga). Còn truyền thống Phật giao Tây Tạng thì cho rằng, Ngài là tác giả của năm bộ luận, được gọi là Di Lặc (Từ Thị) ngũ luận:

1 - Ðại thừa tối thượng luận, hoặc Cứu canh nhất thừa bảo tinh luận (mahāyānottaratantra).
2 - Pháp pháp tính phân biệt luận (dharmadharmatāvibaṅga).
3 - Trung biên phân biệt luận (madhyāntavibhāga-śāstra).
4 - Hiện quán trang nghiêm luận (abhisamayālaṅkāra).
5 - Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (mahāyānasūtralaṅkāra).

Nếu chúng ta nói rằng đức Phật A-di-đà thị hiện hạnh trang nghiêm, đức Phật Thích-ca thị hiện hạnh tinh tấn, thì đức Phật Di Lặc chính là sự thị hiện hạnh hỷ xả. Hỷ xả chính là yếu tố cơ bản giúp chúng ta thăng tiến đạo đức, hoàn thiện nhân cách. Hỷ xả là chất liệu phải có để xây dựng giá trị tồn tại của đời người. Bởi tâm chúng ta có tính năng ghi nhớ mọi hoạt động thiện ác như một cuộn phim. Nếu không biết buông bỏ lửa tham dục hận thù luôn thiêu đốt sự bình an thì nó sẽ trở thành nơi cho cố chấp, khổ đau ngự trị. Chỉ khi nào trong chúng ta có sự hiện hữu của tâm hỷ xả, buông bỏ khổ đau, hận thù thì lúc ấy chúng ta mới cảm nhận được niềm an vui và hạnh phúc thật sự. Bằng không, nếu cứ chấp chặt, thì chúng ta không bao giờ có hạnh phúc. Sự thật, không ai có thể làm cho bạn đau khổ bằng chính tâm khổ đau của bạn; không ai có thể đem đến niềm vui cho bạn bằng chính tâm hồn trong sáng an vui của bạn. Và sự hỷ xả vô biên chính là biểu hiện của lòng từ bi vô hạn. Vậy học theo hạnh nguyện hỷ xả của đức Phật Di Lặc, chúng ta nên làm gì? Là người con Phật, chúng ta phải thực hành giáo lý tứ vô lượng tâm, noi theo hạnh nguyện của đức Phật Di Lặc, phát đại thệ nguyện đem giáo lý từ bi cảm hóa muôn loài, thế mới đúng nghĩa là người Phật tử thực hành theo lời dạy của đức Bổn sư, sống bằng hạnh nguyện từ bi hỷ xả.

Ngoài truyền thống Phật giáo ra, hạnh nguyện của đức Phật Di Lặc còn có ảnh hưởng rộng lớn trong nền văn hóa dân gian phương Đông. Đức Phật Di Lặc xuất hiện trong dân gian chính là sự phân thân ứng hiện giáo hóa muôn loài. Cho đến ngày nay, những mẫu chuyện ứng thân thị hiện của Ngài vẫn mang giá trị giáo dục đạo đức quan trọng trong đời sống tinh thần người Phật tử.

Chuyện dân gian kể rằng, vào đời nhà Lương, đức Phật Di Lặc thị hiện ở chùa Nhạc Lâm, Châu Minh, huyện Phụng Hóa, Trung Quốc với thân hình mập mạp, bụng lớn, miệng luôn nói cười khác người; nhưng không ai biết tên họ của Ngài là gì mà chỉ thấy Ngài luôn mang trên vai một túi vải và có năm đứa con nít thường theo giễu cợt. Dựa vào Duy thức học thì đây là hình ảnh mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Cái bụng bự tượng trưng cho tâm trống rỗng, không vướng lụy hồng trần; năm đứa trẻ tượng trưng cho năm căn, còn ý căn vì vô hình nên không được biểu hiện bằng hình tượng một đứa trẻ. Lục tặc luôn quấy nhiễu nhưng không thể phá được nụ cười tự tại của Ngài. Lúc đi khất thực, sau khi ăn xong còn dư bao nhiêu thì Ngài đều bỏ vào túi, nên người đời gọi Ngài là Bố Đại Hòa Thượng. Hành trạng của Ngài khác thường, nhưng luôn ứng nghiệm mọi việc. Tương truyền rằng, ngày nào Ngài đi guốc thì trời nắng, mang dép cỏ thì trời mưa. Diệu dụng về sự khai thị của Ngài tùy vào căn cơ tiếp nhận của mỗi người. Cách khai ngộ này, chúng ta thường thấy trong các mẫu đối thoại của nhà thiền. Thật là huyền bí! 

Tương truyền ở xứ Mân Trung, cư sĩ họ Trần thấy Ngài làm nhiều việc thần kỳ nên rất kính trọng. Một hôm, nhân lúc từ giã Ngài, ông bèn hỏi:

- Thưa Hòa thượng! Xin cho con biết họ tên của Ngài, sanh ngày tháng năm nào và xuất gia đã bao lâu rồi?

- Tỏ thiệt cho ngươi rõ ta họ Lý, sanh ngày mùng tám tháng hai. Ta chỉ dùng cái túi vải này mà độ đời. Vậy ngươi chớ tiết lộ cho ai biết.

- Bạch Hòa thượng! Ngài có pháp hiệu hay không?

Ngài liền đọc kệ đáp rằng:

“Ta có cái túi vải
Rỗng rang không quái ngại
Mở ra khắp mười phương
Thâu vào quán tự tại”.

Ở đây, pháp hiệu chính là bản tâm thanh tịnh thâu nhiếp càn khôn, mở ra mười phương thế giới, thị hiện muôn nơi hóa độ chúng sanh, đắc quả vô sanh pháp nhẫn một cách tự tại đều có đủ trong túi vải của Ngài.

Đoạn ông Trần lại thưa:

-Hòa thượng đi có cần mang thêm tư lương hay không?

Ngài đáp:

“Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua.”

Đây chính là bài kệ nổi tiếng được truyền tụng rộng khắp. Nó nói lên tính cách thoát tục siêu phàm của người tu sĩ, với tinh thần “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Đoạn ông Trần thưa tiếp:

- Đệ tử ngu muội, biết làm sao thấy tánh Phật?

Ngài bèn đáp bài kệ rằng:

“Phật tức tâm, tâm ấy là Phật
Mười phương thế giới là linh vật
Tung hoành diệu dụng biết bao nhiêu
Cả thảy chẳng bằng tâm chơn thật.”

Khi đến quận Tứ Minh, Ngài thường giao du với ông Tưởng Tôn Bá. Có lần cùng tắm với ông Bá ở suối Trường Đinh, khi đưa lưng bảo ông Bá kì giúp, ông thấy ở lưng Ngài có bốn con mắt rực rỡ chói lòa, lấy làm kinh dị vô cùng. Ông liền đảnh lễ Ngài và thưa: “Hòa thượng quả là một vị Phật tái thế”. Ngài liền khoát tay bảo nhỏ: “Ngươi chớ tiết lộ. Ta cùng ngươi có nhân duyên rất lớn, rồi đây ta sẽ từ biệt ngươi, ngươi chớ buồn rầu thương nhớ”. Sau đó, nhằm ngày mùng 3 tháng 3, năm thứ 3 niên hiệu Trịnh Minh, Ngài ngồi an nhiên thị tịch trên bàn thạch gần chùa Nhạc Lâm. Người trong quận lập hội tưởng niệm và xây tháp thờ Ngài ở núi Phong Sơn.

Ngày nay ở núi Phong Sơn còn để lại nhiều di tích, nào là chỗ để tích trượng, chỗ để bình bát,… hễ chỗ có in dấu hình bình bát thì luôn đầy nước, dẫu trời đại hạn cũng không khô. Thật là mầu nhiệm vô cùng không sao kể xiết!

Tóm lại, nghĩ đếm Tâm Từ vô lượng, đạo phong siêu phàm của đức Phật Di Lặc trong lịch sử và truyền thuyết, chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị về sự buông bỏ tất cả để chứng đắc tất cả, buông bỏ tâm khổ đau để đón nhận niềm hạnh phúc và mở rộng lòng mình để ánh sáng vị tha được chiếu diệu. Nếu không, thì mùa Xuân đang hiện hữu, trăm hoa đang đua nở chỉ là cảnh gợi thêm sầu. Đây cũng chính là đạo lý vô thanh thắng hữu thanh, cảnh tỉnh những ai còn hệ lụy vào tài, sắc, danh, thực, thùy. Mặt khác, nhìn lại một năm qua, chúng ta thấy sở dĩ thế giới trải qua nhiều đau khổ bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, nghèo đói… là do lòng thù hận, tham lam gây ra. Trước thềm năm mới, chúng ta ước mơ vươn tới một thế giới an lành, tràn đầy lòng từ bi, không chiến tranh hận thù, không khổ đau tật bệnh. Để mơ ước trở thành hiện thực, thì mỗi người hãy thực hành hạnh hỷ xả, dùng tinh thần vô úy cởi trói mọi hệ lụy, xây dựng một đời sống an vui hạnh phúc.

Huyền Châu.

Tài liệu tham khảo:
- Lời tụng tôn kính đức Phật đương lai, Trí Quang viết, PL.2544
- Tìm hiểu về tín ngưỡng Di-lặc,Thích Nguyên Hiền
- Sự tích Phât A-di-đà và bảy vị Bồ-tát, Tạp chí Từ Bi Âm

[Tập san Pháp Luân - số 23, tr.21, 2006]