Làm chủ vận mệnh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Có người cho rằng tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời mình đều đã được định sẵn nên họ sống rất an phận.

Thực tế thì không ai có thể định được số phận của ta. Tất cả mọi việc xảy ra trong cuộc đời đều là do chính mình tạo ra chứ không có ai khác. Vì vậy thay vì thụ động chờ đợi, chúng ta phải biết chủ động tạo ra hạnh phúc của chính mình. Muốn có hạnh phúc, chúng ta cần phải tích tụ âm đức. Một khi âm đức đã tràn đầy thì lúc đó tiền tài, danh vọng sẽ tự tìm đến với ta. Còn nếu thiếu âm đức, tuy ta có ra sức tìm cầu cũng gặp toàn tai ương, hoạn nạn. Vậy làm cách nào để có âm đức? Muốn có âm đức thì chúng ta cần phải bỏ ác, làm lành. Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về việc bỏ ác. Bỏ ác là chúng ta tránh không làm tất cả các việc ác dù là việc ác rất nhỏ. Khi lỡ làm một việc ác chúng ta phải biết ăn năn hối cải. Chúng ta phải luôn thận trọng giữ gìn không cho phép mình vi phạm bất cứ điều ác nào. Chúng ta nên nhớ rằng Chư thiên Hộ pháp luôn luôn ở bên cạnh ta. Chúng ta có thể qua mặt được pháp luật của thế gian chớ không thể qua mặt được chư thiên Hộ pháp, nhất là không thể né tránh được luật nhân quả. Kẻ làm ác thì chẳng những phải chịu tiếng xấu khi ở dương thế mà khi chết còn phải chịu trầm luân trong địa ngục, chịu vô biên khổ não. Trong thực tế có nhiều người biết mình đang làm việc ác, muốn dứt bỏ nhưng cứ tái phạm mãi không bỏ được. Muốn bỏ được chúng thì những người này cần phải phát khởi tâm dũng mãnh tiến lên. Phải biết, muốn sửa đổi lỗi lầm thì phải lập chí kiên quyết, lập tức cải đổi, không nên chần chừ, do dự, không được hẹn nay, hẹn mai bởi vì phạm lỗi nhỏ cũng như bị cây gai đâm vào thịt, phạm lỗi lớn cũng như bị rắn độc cắn. Bị gai đâm mà để lâu ngày thì sẽ rất nhức nhối còn bị rắn độc cắn mà để chậm trễ, không chữa trị ngay thì có thể mất mạng. Phương pháp cải đổi lỗi lầm tốt nhất là tu tâm bởi vì tất cả sai lầm đều do tâm khởi niệm bất chánh mà ra. Nếu biết tu tâm, chánh niệm tỉnh giác thì khi tà niệm vừa khởi liền phát giác. Nên nhớ rằng lúc ấy ta chỉ đơn thuần ghi nhận rằng ta đang có tà niệm chớ không nên xua đuổi. Tà niệm bị ta phát hiện sẽ lặng lẽ biến mất và tâm ta trở lại thanh tịnh. Tuy nhiên, đôi khi, do sức chánh niệm của ta quá yếu nên tà niệm không chịu ra đi. Trong trường hợp này ta phải dùng đạo lý để suy xét, thống trách, hóa giải nó. Nếu làm như vậy mà vẫn không xong thì ta phải cố gắng dằn lòng, tránh xa duyên phạm lỗi.

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu sang vấn đề làm lành. Về căn bản thì làm lành có nghĩa là làm những việc lợi mình, lợi người, lợi ích cả trong hiện tại và vị lai. Nếu phân tích kỹ hơn thì ta có thể chia việc lành thành nhiều loại như thật, giả, ngay thẳng, tà vạy, âm, dương, lớn, nhỏ, khó, dễ.... Chúng ta cần phân biệt rõ nếu không thì có thể ta đang làm việc bất thiện mà lại lầm tưởng là làm việc thiện.

Thế nào là làm thiện có thật có giả? Việc thiện xuất phát từ tâm từ bi, từ lương tâm, không mong cầu quả báo, không chấp trước thì gọi là chân thật còn làm thiện mà chỉ vì mong cầu quả báo, vì muốn được người ta khen ngợi chỉ vì động cơ tăng trưởng bản ngã thì đó là giả dối. Chúng ta nên làm thiện chân thật và không nên làm thiện giả dối.

Thế nào là làm thiện ngay thẳng và tà vạy? Việc thiện nếu xuất phát từ tâm cứu người, từ tâm tôn trọng người khác đó là ngay thẳng;  còn như làm thiện vì cầu danh, lấy lòng người khác thì là tà vạy.

Thế nào là việc thiện có đúng, có sai. Muốn biết một việc thiện là đúng hay sai ta phải nhìn trên kết quả lâu dài, không nên nhìn trên kết quả trước mắt. Hiện nay tuy là thiện nhưng nếu về sau có hại cho người thì đó không phải là thiện và ngược lại hiện nay tuy dường như bất thiện song nếu có lợi ích cho mọi người lâu dài về sau thì đó là thiện. Ví dụ, lễ độ là một đức tính tốt nhưng nếu lễ độ quá mức thành ra nịnh nọt, luồn cúi. Yêu thương người vốn là tốt nhưng nếu yêu thương quá đáng, khiến người ỷ lại, hư hỏng thì đó không phải là lòng từ.

Thế nào là việc thiện phân nửa và trọn vẹn? Làm việc thiện không nên bao giờ cũng nhớ đến cho là mình làm được việc rất vĩ đại. Nếu tâm được vô chấp như vậy, cho dù chúng ta làm bất kỳ việc thiện gì dù lớn hay nhỏ đều là công đức viên mãn. Còn nếu đem tâm chấp tướng, chấp công ra làm việc thiện  thì dù có làm nhiều bao nhiêu đi nữa cũng vẫn không viên mãn.

Thế nào là việc thiện lớn, nhỏ? Nếu làm việc thiện vì lợi ích cho dân cho nước thì việc thiện dù nhỏ song công đức lại rất lớn. Nếu làm thiện vì lợi ích riêng của mình thì việc thiện dù nhiều nhưng công đức chẳng được bao nhiêu.

Trên đây đã trình bày qua về các loại thiện. Giờ đây ta tiếp tục tìm hiểu về một vài cách thức hành thiện. Có rất nhiều cách hành thiện nhưng ở đây chỉ trình bày một vài cách sau:

Một là giúp người làm thiện. Khi thấy người có lòng lành, ta phải khuyến khích giúp đỡ khiến cho tâm lành của họ ngày càng tăng trưởng, thấy người khác làm việc lành mà không đủ sức ta phải giúp cho họ thành tựu.

Hai là có lòng thương yêu kính trọng. Chẳng những chúng ta phải thương yêu kính trọng cả những người có tuổi tác vai vế học vấn hơn ta mà còn phải kính trọng cả những người tuổi nhỏ vai vế thấp, nghèo hèn hơn ta.

Ba là thành tựu cho người. Ví như có người định làm một việc tốt song chưa quyết định, thì ta phải khuyên họ hết lòng hết sức làm. Lúc người khác làm việc lành nếu gặp chướng ngại không thể thành công thì ta nên tìm cách chỉ dẫn họ, không được sinh tâm ganh tị, phá hoại họ.

Bốn là khuyên người làm việc thiện. Gặp người làm việc ác phải nói nhân quả cho họ nghe để họ bỏ ác. Gặp người không chịu làm việc lành thì phải khuyên họ làm lành, chỉ cho họ thấy quả báo tốt đẹp của việc lành.

Năm là cứu người khi nguy cấp. Khi gặp người đang nguy hiểm, khó khăn khẩn cấp thì phải giúp họ vượt qua khó khăn song phải cẩn thận đừng khởi tâm ngạo mạn.

Sáu là làm việc lợi ích lớn. Chẳng hạn thấy bờ đê có lỗ mọi nhỏ, nghĩ rằng có thể vì lỗ mọi này mà vỡ đê làm nhiều sinh mạng và tài sản bị đe dọa nên ta phát tâm lấp lại. Đây tuy là việc làm nhỏ song lợi ích lại rất lớn. Hoặc là ta phát hiện ra một kẻ nọ đang chở bom nguyên tử đi thả một thành phố nọ. Nếu có thể thì ta cần ngăn cản việc làm ấy bằng mọi giá. Nếu làm được việc ấy thì ta đã cứu sống được vô số người và vật.

Bảy là xả tài sản làm việc phước. Bỏ tiền bạc ra để giúp đỡ người khác, đối với người bình thường đã khó mà đối với người nghèo việc ấy còn khó hơn bởi vì người đời xem tài sản như một phần sanh mạng của mình. Vì vậy ai biết bỏ tiền bạc ra để làm phước thì được quả báo rất lớn.

Tám là hộ trì chánh Pháp. Nếu có ai phá hoại chánh pháp thì ta phải đứng ra bảo vệ một cách dũng cảm, không để chánh Pháp suy tàn.

Chín là kính trọng bậc tôn trưởng. Phàm là người có học vấn sâu, kiến thức rộng, vai vế lớn, tuổi tác cao hay có chức vị đều là bậc tôn trưởng ta phải kính trọng, không được coi thường hay vô lễ.

Mười là yêu tiết sinh mệnh của chúng sanh. Phàm là loài có sanh mạng thì đều có tri giác, đều tham sống sợ chết cho nên chúng ta nỡ nào lại tàn sát chúng để ăn.

Tóm lại vận mệnh của chúng ta nằm trong tay chúng ta chớ không phải do ai khác tạo ra. Muốn được hạnh phúc, an vui thì chính chúng ta phải bỏ ác hành thiện chớ không thể trông chờ ở người khác.

Chánh Niệm
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.43, 2005]