Bốn tâm vô lượng - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Bốn phạm trù tâm thức ấy chúng tùy thuộc vào thuộc tính căn cơ của hành giả mà có những danh xưng khác nhau, chẳng hạn: Bốn Phạm trú (catur-brahmavihāra). Đây là bốn Phạm trú mà hành giả nào thực hành chúng, thì hành giả ấy sẽ tái sinh tại cõi Trời (deva) theo quy luật nhân quả tương đối có giới hạn của Thánh giả nhị thừa. Theo Tăng nhất A-hàm 21, thì hành giả tu Bốn Phạm trú ấy sẽ vượt qua được trời Dục giới mà trụ vào Phạm xứ, cho nên Bốn vô lượng tâm đã cho còn gọi là Tứ Phạm đường, Tứ Phạm xứ, Tứ phạm hạnh. Vì thuyết Tứ Phạm đường có liên hệ đến chủ trương của các ngoại đạo Bà-la-môn như trong kinh Tạp A-hàm 27 ghi lại, các ngoại đạo cũng có thuyết về pháp này, nhưng đức Đạo sư chuyển dụng chúng như là pháp của riêng mình trong việc thể hiện lòng từ bi hỷ xả theo quan điểm trong “chỉ ác hành thiện” qua pháp tu thiền định, để các đệ tử của Ngài thực hiện, như Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ, đức Đạo sư dạy: “A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng tâm, Tỳ-kheo tâm đi đôi với lòng từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với lòng từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô lượng này, ông hãy thuyết giảng cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông thuyết giảng cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô lượng tâm này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành Phạm hạnh.” Cũng theo Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ, Đại trí độ luận 20 và A-tì-đàm giải thích về Bốn vô lượng tâm như sau: Một, duyên vào vô lượng chúng sanh mà tư duy khiến cho họ được pháp vui mà nhập “Từ đẳng chí” gọi là Từ vô lượng. Hai, duyên vào vô lượng chúng sanh mà tư duy khiến cho họ lìa pháp khổ, quy nhập “Bi đẳng chí” gọi là Bi vô lượng. Ba, tư duy vô lượng chúng sanh thường lìa khổ thành tựu an vui; thâm cảm vui thích ở trong tâm, mà nhập vào “Hỷ đẳng chí”, gọi là Hỷ vô lượng. Bốn, tư duy vô lượng chúng sanh, thấy tất cả đều bình đẳng, không có bất cứ sai biệt nào giữa oán và thân, mà nhập vào “Xả vô lượng”, gọi là Xả vô lượng. Theo Câu xá luận 29, thì lòng từ vô lượng có ba nghĩa: Một, lấy chúng sanh vô lượng làm chỗ duyên cho bốn tâm này. Hai, bốn tâm này có khả năng dẫn đến phước vô lượng. Ba, bốn tâm này có khả năng chiêu cảm quả báo vô lượng và, cũng theo Câu-xá luận 29 thuyết minh thì bốn tâm vô lượng này dùng để đối trị bốn chướng ngại: dùng lòng từ vô lượng để đối trị sân, dùng bi vô lượng để đối trị với hại, dùng hỷ vô lượng để đối trị không an vui, dùng xả vô lượng để đối trị các cảnh giới tham, sân và dục. Đại thừa gọi bốn trạng thái này là Bốn tâm vô lượng (Skt: catur-apramāṇavihāra; Pāli: catur-appamañña-vihāra), có nơi còn gọi là Tứ đẳng tâm, Tứ đẳng, Tứ tâm.

Bốn Phạm trú, hay Bốn vô lượng là:
Từ vô lượng (Skt: maitrī-apramāṇa, Pāli: metta appamaññā)
Bi vô lượng (Skt: karuṇāpramāṇa, Pāli: karuṇā appamaññā)
Hỷ vô lượng (Skt: muditāpramāṇa, Pāli: muditā appamaññā)
Xả vô lượng (Skt: upeksāpramāṇa, Pāli: upekkhā appamaññā)
Bốn phạm trù như thế dùng để đối trị bốn thứ phiền não, đó là tham muốn, sân hận, đố kỵ và buồn lo trong lúc tu tập thiền định và, cũng từ thiền định này tạo điều kiện phát sinh bốn tâm thức cao thượng rộng lớn vô lượng đối với vô lượng chúng sanh. Theo các nhà Đại thừa thì Bốn phạm trú của Tiểu thừa cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật (cārapāramitā). Ðấy là tâm thức của chư Phật và Bồ-tát vì muốn cứu độ chúng sinh trong việc mang lại niềm an lạc cho họ. Vì tính đặc thù vô lượng (Skt: apramāṇa; Pāli: appamaññā), nên bốn phạm trù này thường được sử dụng mà chủ yếu là lòng vị tha trong việc thực hành Bồ-tát đạo.

1. TỪ VÔ LƯỢNG
(maitrī-apramāṇa, metta appamaññā)

Đây là phạm trù thuộc về trạng thái tâm thức thứ nhất, đó là lòng Từ, Sanskrit: maitrī, hay Pāli: metta. Cả hai đều có nghĩa là êm dịu, là tấm lòng của người bạn chân tình, hay được định nghĩa là lòng thành thật mong cho tất cả chúng sanh có cuộc sống an lành hạnh phúc, là mong muốn bạn bè mình được an vui hạnh phúc, là lòng mong muốn giúp đỡ cho mọi người được hạnh phúc, không phân biệt bất cứ là kẻ sơ người thân nào khi thấy họ khổ đau. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn đầu tiên của bốn tâm vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình, để họ dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha, kể cả đối trị những phiền não sân hận nhỏ nhen cục bộ, và đem lại niềm an vui hạnh phúc cho tha nhân. Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ). Ở nơi khác, trong một bản kinh dưới đây, đức Đạo sư cũng dạy về tâm Từ vô lượng, nhưng lại sâu rộng hơn kinh trước. Đây chính là pháp phương tiện tùy thuộc vào căn cơ chúng sanh mà Ngài khai thị, đây cũng là đề tài Bốn tâm vô lượng, nhưng cách dụng ngữ và nội dung sâu rộng hơn. Tuy nhiên, nghĩa thú là nhất hướng:
“Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Từ vô lượng?
“Phật dạy:
“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Từ luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Từ vô lượng.” (Phật nói kinh Nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

2. BI VÔ LƯỢNG
(karuṇāpramāṇa, karuṇā appamaññā)

Đây là phạm trù thuộc về trạng thái tâm thức thứ hai, đó là lòng Bi, Sanskrit: karuṇā, hay Pāli: karuṇā, cả hai đều giống nhau trên cách viết và chúng cũng đồng nhất trên mặt nghĩa thú. Bi vô lượng tâm là lòng mong muốn giúp cho người khác thoát khổ, là sự xoa dịu hay làm vơi đi đau khổ sầu não của người khác, là động cơ thúc đẩy tâm mình rung động trước sự đau khổ của họ, tạo điều kiện cho họ lìa hẳn khổ đau. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn thứ hai của bốn vô lượng tâm được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình, để họ dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha, kể cả đối trị những phiền não tàn hại và tạo cho người khác mọi điều kiện đề xa lìa khổ đau. Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với Bi biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Bi, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ). Cũng như tâm Từ, đức Đạo sư đã dạy cho các Tỳ-kheo như trên, ở đây tâm Bi cũng vậy:
“Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Bi vô lượng?
“Phật dạy:
“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Bi luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Bi vô lượng.” (Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

3. HỶ VÔ LƯỢNG
(muditāpramāṇa, muditā appamaññā)

Đây là phạm trù trạng thái tâm thức thứ ba, đó là lòng Hỷ, Sanskrit: muditā, hay Pāli: muditā, cả hai đều có nghĩa là lòng vui thích. Ở đây, trạng thái này không phải là trạng thái vui thích suông, cũng không phải là thứ tình cảm cá nhân dành cho một người nào, mà nó là sự thể hiện tâm hoan hỷ đối với người khác, nhất là trước sự thành công của họ về cuộc sống. Lòng hoan hỷ này phát xuất từ sự tự nguyện, nó có chiều hướng loại trừ lòng ganh tỵ và đố kỵ mà chúng vốn luôn luôn đối lập trực tiếp với hoan hỷ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn thứ ba trong bốn vô lượng tâm được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình, để họ dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha, kể cả đối trị những phiền não tật đố và tạo cho người khác mọi khích lệ thúc đẩy và tán thán sự thành tựu người khác với lại giúp đỡ người khác tiếp tục gặt hái những thành công khác nữa trong cuộc sống. Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với Hỷ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Hỷ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ). Cũng như tâm Từ, tâm Bi được đức Đạo sư dạy cho các Tỳ-kheo như trên, ở đây tâm Hỷ cũng vậy:
“Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Hỷ vô lượng?
“Phật dạy:
“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Hỷ luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Hỷ vô lượng.” (Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

4. XẢ VÔ LƯỢNG
(upeksapramāṇa, upekkhā appamaññā)

Đây là phạm trù thuộc về trạng thái tâm thức thứ tư, đó là lòng Xả, Sanskrit: upeksā, hay Pāli: upekkhā, cả hai đều chỉ cho thức tính vô tư vô luyến ái, không ghét bỏ, không ưa thích và cũng không bất mãn; đây là một phẩm tính nhận thức chân xác bản chất của tất cả pháp, không cực đoan hay nghiêng về bên nào. Trạng thái ấy không vui cũng không buồn, không lệ thuộc vào bất cứ tình huống nào mà chúng là những gì khiến chúng ta bị lệ thuộc dính mắc, tâm luôn luôn giữ trạng thái bình thản trước mọi sự vật: khen chê, được mất, vinh nhục, sướng khổ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn thứ tư trong bốn vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình để họ dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha bao hàm cả việc đối trị những phiền não tham đắm và tạo cho người khác mọi điều kiện nhận thức các pháp đúng như thật tính của chúng, mà tính chân thật ấy nằm bên ngoài mọi sự phân biệt do chấp trước dính mắc sinh ra. Đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo tâm đi đôi với Xả biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ). Cũng như tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ; ở đây tâm Xả cũng được đức Đạo sư dạy cho các Tỳ-kheo như trên:
“Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Xả vô lượng?
“Phật dạy:
“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm xả luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Xả vô lượng.” (Phật nói kinh Nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng).

Thích Đức Thắng (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.3, 2007]